Lượt xem: 299
Định hướng thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp
Nhằm cường liên kết, hợp tác, nâng cao năng lực, thúc đẩy hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ đồng thời giới thiệu hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, vừa qua Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tổ chức Hội thảo “Thúc đẩy hoạt động đổi mới công nghệ trong doanh nghiệp và Định hướng của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia giai đoạn 2021 - 2025” theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

Hội thảo có sự tham dự của Lãnh đạo các Bộ, Ngành, địa phương; các doanh nghiệp được Quỹ hỗ trợ giai đoạn vừa qua; các đối tác ngân hàng, tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp sẽ cùng đồng hành với Quỹ trong giai đoạn 2021 – 2025 và các cơ quan báo chí.

Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo được xem là một trụ cột cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Chủ trương và chiến lược thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm của hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia được thể hiện trong nhiều Nghị quyết của Đảng, Quốc hội và Chính phủ.

Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (Quỹ NATIF) được Chính phủ thành lập và đi vào hoạt động từ 2015, vừa là đơn vị sự nghiệp phục vụ quản lý nhà nước trực thuộc Bộ KH&CN, vừa là tổ chức tài chính nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng cho vay ưu đãi, hỗ trợ lãi suất vay, bảo lãnh để vay vốn, tài trợ cho các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới và hoàn thiện công nghệ. Ngay sau khi đi vào hoạt động, Quỹ NATIF tập trung ưu tiên tài trợ để thực hiện các nhiệm vụ KH&CN theo đặt hàng của Nhà nước; nhiệm vụ KH&CN có tác động lớn đến phát triển kinh tế - xã hội, chuyển giao các công nghệ cao, công nghệ tiên tiến do tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế đề xuất.

Sau 5 năm (2015-2020) triển khai, Quỹ NATIF đã tập trung đẩy mạnh hoạt động tài trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, theo tinh thần phục vụ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm và là chủ thể của hoạt động đổi mới công nghệ. Quỹ NATIF đã tiếp nhận trên 1.000 ý tưởng đổi mới công nghệ do các doanh nghiệp đề xuất. Các đối tượng được Quỹ xem xét, tài trợ là các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang hoạt động tại 35 tỉnh, thành phố, tập trung chủ yếu vào: Nông nghiệp (nông nghiệp công nghệ cao, tạo giống cây trồng, vật nuôi, sản xuất thức ăn cho vật nuôi và phân bón cho cây trồng, công nghệ chế biến,…); Công nghiệp (công nghiệp hỗ trợ, điện tử, tự động hóa, an toàn, an ninh mạng, công nghệ Internet vạn vật, phân tích và xử lý dữ liệu lớn, mã nguồn mở, thương mại điện tử, các sản phẩm chủ lực cho thị trường trong nước và xuất khẩu,..); Y - Dược (sản xuất vắc-xin, dược liệu, điều trị bệnh,…). Nhiều nhiệm vụ KH&CN do Quỹ NATIF xem xét, tài trợ đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho doanh nghiệp và xã hội điển hình như:

(1). Dự án “Hoàn thiện công nghệ chế biến các sản phẩm dừa tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long” do Công ty Chế biến dừa Lương Quới, tỉnh Bến Tre chủ trì. Việt Nam có gần 150.000 ha trồng dừa với sản lượng gần 1.200 triệu quả/năm, đứng hàng thứ 07 trên thế giới. Riêng năng suất trồng dừa, Việt Nam đứng đầu thế giới. Bến Tre có trên 73.000 ha trồng dừa với sản lượng gần 600 triệu quả/năm. Cơm dừa và nước dừa là hai sản phẩm chính phục vụ trực tiếp người dùng, đồng thời cũng là hai nguyên liệu chính để sản xuất sữa dừa và nước giải khát đóng lon. Công ty Chế biến dừa Lương Quới đã nghiên cứu ứng dụng công nghệ tách chiết ly tâm cao tốc để loại bỏ các axit béo không có lợi, công nghệ tiệt trùng không gia nhiệt để khử trùng nhưng không phá hủy các vitamin trong nước dừa. Đồng thời, áp dụng công nghệ đóng hộp phi kim loại đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Sản phẩm nước dừa đóng hộp đã được xuất khẩu tới 16 nước và đã nhận được đơn đặt hàng từ 30 nước trên thế giới. Bình quân doanh nghiệp này tiêu thụ 75 triệu trái dừa/năm, dự kiến sẽ tăng công suất để tiêu thụ 150 triệu trái dừa/năm. Hiện nay, doanh thu từ sản phẩm nước dừa giải khát đóng hộp hơn 250 tỷ đồng mang lại lợi nhuận trước thuế trên 85 tỷ đồng cho doanh nghiệp.

 (2) Đề tài “Nghiên cứu sản xuất tinh bò thuần Blanc-Bleu-Belge (BBB) đông lạnh dạng cọng rạ và thử nghiệm phương pháp phân tách tinh phân giới’’ do Công ty cổ phần giống gia súc Hà Nội chủ trì. Kết quả của đề tài áp dụng vào thực tiễn Việt Nam chủ động được nguồn tinh bò BBB chất lượng tốt đáp ứng nhu cầu người chăn nuôi, chứng tỏ khả năng làm chủ các công nghệ hiện đại trong lĩnh vực sản xuất tinh bò giống ngay tại vùng đồng bằng Sông Hồng.

(3) Dự án “Hoàn thiện công nghệ sản xuất sơn Alkyd dung môi - nước có hàm lượng VOC thấp với công suất 15.000 tấn/năm” do Công ty Sơn Hải Phòng chủ trì. Do yêu cầu bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, năm 2009, Tổ chức Bảo vệ môi trường thế giới khuyến cáo giảm dần và tiến tới không sử dụng một số loại sơn trong đó có sơn Alkyd vì có một số hoạt chất có hại cho sức khỏe con người. Dự án nghiên cứu hoàn thiện công nghệ sản xuất nhựa Alkyd thay thế sơn nhập ngoại và công nghệ sản xuất sơn Alkyd dung môi bằng công nghệ sản xuất sơn Alkyd dung môi - nước, lượng chất có hại giảm từ 50% xuống còn 15-25%. Với công nghệ mới, Công ty có thể sản xuất 15.000 tấn sơn Alkyd dung môi - nước đem lại cho doanh nghiệp doanh thu khoảng 225 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế trên 45 tỷ đồng, bảo đảm việc làm cho gần 100 lao động và là doanh nghiệp đầu tiên làm chủ công nghệ mới này.

(4) Dự án “Đổi mới công nghệ sản xuất vắc xin virus thú y đạt tiêu chuẩn GMP - WHO bằng công nghệ nuôi cấy tế bào (Micro carrier) và phôi trứng” do Công ty TNHH Dược Hanvet chủ trì. Một số công nghệ tiên tiến đã được Công ty ứng dụng, đổi mới công nghệ thông qua việc thực hiện Dự án này như: Công nghệ sản xuất vắc xin vi rút bằng nuôi cấy tế bào trên Micro carrie, công nghệ được triển khai và hoàn thiện với 3 sản phẩm vắc xin Tai xanh, Dịch tả lợn, Đậu gà. Năm 2021 hàng triệu liều vắc xin được sản xuất trên công nghệ của Dự án đã được Hanvet xuất khẩu sang Myanmar, Philipine, Bangladesh.... Các sản phẩm ngày càng được người sử dụng tin dùng, từng bước thay thế các vắc xin ngoại nhập.

Ngoài ra, còn rất nhiều nhiệm vụ khác đã được Quỹ NATIF triển khai, nghiệm thu và đã được Hội đồng KH&CN đánh giá cao. Các nhiệm vụ đã hỗ trợ việc đổi mới công nghệ, làm chủ công nghệ của các doanh nghiệp, từng bước nội địa hóa công nghệ, thiết bị, giảm phụ thuộc vào các công nghệ nhập khẩu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh với các sản phẩm khác trên trường quốc tế. Các kết quả có tác động lan tỏa, thúc đẩy kinh tế, xã hội phát triển.

Ảnh quang cảnh tại buổi Hội thảo

Tại Hội thảo các đại biểu đã chia sẻ các kinh nghiệm thành công, những cách làm sáng tạo thời gian qua, trước nhu cầu phát triển trong thới gian sắp tới đòi hỏi hoạt động của Quỹ NATIF cần tiếp tục đơn giản quy trình, thủ tục, phối hợp, liên kết các tổ chức, xây dựng cơ sở dữ liệu về chuyên gia, về các công nghệ cần cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, giải pháp bảo toàn vốn,.....

Định hướng giai đoạn 2021 – 2025, nhằm xây dựng Quỹ NATIF tiếp tục phát triển, hoạt động hiệu quả, đóng góp hiệu quả cho các hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp nhằm tạo bứt phá nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế, Thủ tướng Chính phủ ban hành Ban hành Điều lệ tổ chức và hoạt động của Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia tại Quyết định số 04/2021/QĐ-TTg ngày 29/01/2021. Quỹ sẽ triển khai các hoạt động chính như:

(1). Cho vay ưu đãi theo phương thức cho vay trực tiếp và cho vay gián tiếp,  Quỹ NATIF phối hợp với ngân hàng thương mại để cho vay ưu đãi cho các doanh nghiệp có dự án, nhiệm vụ đầu tư đổi mới công nghệ, có nhu cầu vay vốn, đáp ứng về đối tượng, nội dung, tiêu chí và điều kiện cho vay gián tiếp của Quỹ. Bên cạnh đó, Quỹ NATIF trực tiếp cho vay đối với doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư đổi mới công nghệ nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, chuyển giao, đổi mới công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo.

(2). Quỹ NATIF hỗ trợ vốn theo hình thức tài trợ toàn phần hoặc tài trợ một phần vốn đầu tư cho thực hiện nhiệm vụ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo từ nguồn kinh phí của Quỹ. Bên cạnh đó, thông qua các chương trình, nhiệm vụ KH&CN do Thủ tướng Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ KH&CN giao cho Quỹ, Quỹ hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu, chuyển giao, đổi mới, hoàn thiện công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của Bộ KH&CN.

3. Quỹ NATIF và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước xây dựng các chương trình hợp tác nhằm hỗ trợ các dự án đổi mới công nghệ của doanh nghiệp; nâng cao năng lực, thúc đẩy giải mã, chuyển giao, ứng dụng và đổi mới công nghệ; tăng cường kết nối, phát triển mạng lưới và nhân lực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo; nâng cao năng lực quản trị và hoạt động của Quỹ và đặc biệt là xây dựng và phát triển các cơ sở dữ liệu lớn về doanh nghiệp, công nghệ và các chuyên gia phục vụ đổi mới công nghệ.

4. Hỗ trợ lãi suất vay vốn. Quỹ NATIF hỗ trợ lãi suất vay đối với doanh nghiệp đã hoàn thành các dự án đầu tư đổi mới công nghệ nhằm thực hiện nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, chuyển giao, đổi mới công nghệ.

5. Quỹ NATIF tiếp nhận nguồn tài trợ, viện trợ, đóng góp tự nguyện từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để thực hiện chức năng và nhiệm vụ của Quỹ, đảm bảo phù hợp với những cam kết, điều kiện của các bên tham gia, đảm bảo hiệu quả ứng dụng đổi mới công nghệ vào thực tiễn.

6. Quỹ NATIF cấp bảo lãnh để vay vốn cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án đầu tư thương mại hóa công nghệ sau khi được phát triển trong các chương trình KH&CN cấp quốc gia.

Tác giả: Nguyễn Thanh Dũng

Tin liên quan
1 2 3 4 5  ... 
Thông báo - Hướng dẫn

HÌNH ẢNH HOẠT ĐỘNG
No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... 4 5 6 No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title... No title...
SỐ LƯỢT TRUY CẬP
  • Tất cả: 1571630
SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TỈNH SÓC TRĂNG
Địa chỉ: 217 Trần Bình Trọng – Phường 2 – TP Sóc Trăng – Tỉnh Sóc Trăng,
Điện thoại: 0299 3822450, Fax: 0299 3821448 , Email: sokhcn@soctrang.gov.vn
Giấy phép thiết lập trang thông tin điện tử tổng hợp trên mạng số 02/GP-STTTT do Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh Sóc Trăng cấp ngày 23/9/2016.